Những hệ lụy từ việc đứng hộ tên đăng ký xe ôtô cho người khác

những hệ lụy từ việc đứng hộ tên mua xe ô tô

Dưới đây là một số trường hợp cụ thể:

Anh P, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm nghề lái xe ôtô tuyến đường dài, công việc khá vất vả. Bỗng một ngày, anh nhận được lời đề nghị từ người anh họ tên là H, trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. Theo đó, anh H nói sẽ mua một chiếc ôtô 16 chỗ, giao cho anh P để chở khách du lịch; việc đầu tư sẽ do anh H chủ động giao dịch với ngân hàng để vay tiền mua xe, sau đó sẽ thế chấp ngay chiếc xe được mua. Anh P đứng tên đăng ký chiếc xe ôtô này để tiện lưu thông trên đường.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, thực chất chiếc xe là của anh H, anh này sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với ngân hàng, anh P chỉ là người lái xe, hưởng lương, không phải bỏ một đồng nào và cũng không phải thế chấp, cầm cố gì… Chạy được một vài chuyến chở khách du lịch, anh H yêu cầu anh P giao lại xe để cho thuê, sau đó anh H đem cầm cố tại một cơ sở cầm đồ.

Anh P cứ ngỡ anh H đã giải quyết xong nợ nần với ngân hàng, cho đến một ngày, anh P nhận được thông tin từ chủ cơ sở cầm đồ yêu cầu đến giải quyết khoản cầm cố chiếc xe; đồng thời nhận được thông tin từ ngân hàng thông báo khoản vay đang bị chậm lãi.

Anh P yêu cầu anh H lấy xe ôtô về để giao trả ngân hàng và giải quyết dứt điểm khoản vay này, nhưng anh H cứ ậm ừ cho qua chuyện, sau đó cắt liên lạc với anh P. Hậu quả, anh H là người đứng tên chiếc xe ôtô mua dưới hình thức vay vốn ngân hàng thì phải có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng.

những hệ lụy từ việc đứng hộ tên mua xe ô tô

tương tự, chị A trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội quen biết 2 đối tượng ngoài xã hội. Hai đối tượng này nhờ chị đứng tên đăng ký một chiếc xe ôtô 4 chỗ cũng được mua dưới hình thức vay vốn ngân hàng. Với tâm lý “chẳng mất gì”, chị A đồng ý đứng tên. Đến nay, khi ngân hàng gửi thông báo yêu cầu trả lãi thì chị A mới biết mình bị lừa.

Khác với trường hợp của anh P và chị A, chị T là chủ một doanh nghiệp tư nhân, cũng đã va chạm nhiều với những thủ đoạn làm ăn gian dối. Được một đối tượng đặt vấn đề đứng tên đăng ký giúp 3 chiếc xe ôtô, chị hết sức cảnh giác. Nhưng khi đối tượng nhờ đứng tên đã chuyển 4 tỷ đồng vào tài khoản công ty của chị để nhờ chị thanh toán một phần tiền xe thì chị T cũng thấy yên tâm và nhận lời đứng tên đăng ký hộ.

Nhưng chị T đâu có biết, giá trị 3 chiếc xe ôtô kia lớn hơn nhiều so với số tiền 4 tỷ đồng. Vả lại, số tiền mà chị đã nhận chị đâu có được hưởng mà đã đã trả hết vào tiền mua xe trả góp, trong khi “mặt mũi” 3 chiếc xe này như thế nào chị cũng không hay. Chỉ đến khi chủ hiệu cầm đồ gọi điện cho chị yêu cầu trả lãi, thì chị mới biết “kịch bản” lừa đảo này khá hoàn hảo.

Trên đây là dẫn chứng 3 trường hợp gặp phiền phức khi đứng tên đăng ký hộ những chiếc xe ôtô được mua dưới hình thức vay vốn ngân hàng hoặc trả góp. Nhưng những phiền lụy không chỉ dừng ở đó, ngay cả những trường hợp “mua đứt bán đoạn”, cũng sẽ gặp phải rắc rối khi bạn nhận đứng tên chủ xe cho người khác. Xin đơn cử một ví dụ:

Anh M, ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội được một người quen cùng quê nhờ đứng tên một chiếc xe ôtô 4 chỗ được mua đứt, không dưới hình thức trả góp hay vay vốn ngân hàng. Lý do mà người quen anh M đưa ra là muốn chiếc xe ôtô này được đăng ký biển kiểm soát Hà Nội. Sau này, nếu có nhu cầu bán xe thì sẽ giao dịch dễ hơn và bán được giá hơn. Tuy nhiên, trong quá trình điều khiển xe, người quen của anh M không may gây tai nạn khiến anh M với tư cách là “chủ xe” gặp khá nhiều phiền phức.

Theo qui định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 18 Điều 13, Luật Giao thông đường bộ 2008, thì xe ôtô nằm trong danh mục “nguồn nguy hiểm cao độ”.

Căn cứ vào Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005, thì: “2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. “3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi…” (trừ một số trường hợp được pháp luật qui định).

Để bạn đọc dễ hiểu hơn, có thể giải thích cụ thể như sau: Anh M là chủ sở hữu xe, nếu anh M thuê lái xe và trả tiền công cho lái xe, người lái xe trong trường hợp này không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ôtô. Khi tai nạn xảy ra, anh M là người phải bồi thường thiệt hại. Ngược lại, nếu anh M giao xe ôtô cho lái xe thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa anh M không còn chiếm hữu, sử dụng tài sản xe ôtô. Nếu tai nạn xảy ra, lái xe phải bồi thường thiệt hại…

Trở lại trường hợp của anh M có phải bồi thường cho người bạn cùng quê hay không thì phải chờ kết luận của cơ quan Công an nhưng chắc chắn sẽ gặp không ít những phiền phức từ người nhà nạn nhân…

Đó là chưa kể tới trường hợp, người đứng tên đăng ký hộ xe ôtô còn gặp rắc rối nếu chiếc xe được mua bán, trao tay qua nhiều chủ dưới hình thức mua bán viết tay (thường là mua qua các đối tượng buôn bán xe). Như vậy, sẽ có một ngày, một người không quen biết đến gõ cửa nhà bạn để nhờ bạn ký vào hợp đồng mua bán có công chứng nhằm hợp thức hóa thủ tục sang tên theo qui định của pháp luật…

Với những rắc rối, phiền phức mà chúng tôi đã viện dẫn ở trên, lời khuyên tới mọi người là không nên đứng hộ tên xe ôtô hay bất cứ tài sản nào cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào; dù tài sản đó được mua trả góp, vay vốn ngân hàng hay mua đứt bán đoạn. Biết từ chối với những lời đề nghị nêu trên cũng là thể hiện sự tuân thủ pháp luật và tránh những phiền phức, hệ lụy sau này.

nguồn từ báo kinhtedothi.vn